Tư tưởng Hồ Chí Minh về thầy thuốc Việt Nam
Cách đây 62 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế. Từ đó, ngành y tế đã lấy ngày 27/2 làm ngày truyền thống của ngành. Ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã có quyết định ngày 27/2 hằng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Từ đó, ngày 27/2 hằng năm là ngày tôn vinh các y, bác sỹ và những người làm trong ngành  y tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây (cũ) (ngày 20/4/1963), Người căn dặn cán bộ Bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu”. Ảnh: T.L
Nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng ta cùng tìm hiểu một số bức thư, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ ngành y tế qua các thời kỳ. Những bức thư, bài viết đó thể hiện những quan điểm, tư tưởng sâu sắc, phong phú, định hướng cho việc phát triển một nền y học Việt Nam hiện đại sau này.

Ngày 8/1/1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt, Bác Hồ đã viết “Thư khen ngợi các chiến sĩ bị thương và sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ, cứu thương”:

“Tôi tiếp được nhiều thơ nam nữ chiến sĩ bị thương, hăng hái hứa với tôi rằng: Hễ vết thương khỏi, thì lại xin ra mặt trận.

Lòng yêu nước, chí  kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quý!

Các chiến sĩ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước. Nay đã bị thương còn mong mỏi ra sát địch ở trận tiền. Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế.

Tôi thay mặt Chính phủ hỏi thăm và chúc anh chị em mau lành mạnh.

Các anh em thầy thuốc và chị em khán hộ, cứu thương,

Tôi được báo cáo rằng: Các thầy thuốc và khán hộ đều hết lòng săn sóc thương binh một cách rất chu đáo. Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc.

Tôi thay mặt anh em thương binh, cảm ơn các bạn và khuyên các bạn gắng sức.

Tôi gửi cho tất cả mọi người trong nhà thương lời chào thân ái và quyết thắng.”

Tiếp đó, ngày 7/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết thư gửi Hội nghị y tế Liên khu X. Trong thư, Bác viết: “Mặc dầu những sự khó khăn, thiếu thốn trong thời kỳ kháng chiến, các nhân viên y tế, từ cao cấp đến các cán bộ phổ thông đều cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Tôi biết có những anh em gia đình đông, lương bổng ít, rất túng thiếu, mà vẫn vui vẻ làm việc. Lòng đồng cam cộng khổ với toàn thể đồng bào ấy thật đúng như lời Khổng Tử đã nói: “Cùng đương ích kiên”, và thật là đáng quý, đáng kính...

Cũng như các ngành chuyên môn khác, cũng như toàn thể đồng bào, anh em  y tế đã cố gắng, ta còn phải cố gắng thêm. Trong cuộc Thi đua ái quốc này, tôi mong rằng nhân viên y tế sẽ là một trong những đội xung phong hăng hái. Tôi nêu ra đây vài điểm chính, để thêm ý kiến cho Hội nghị thảo luận về cuộc thi đua:

1, Nay những thứ thuốc ta quen dùng, càng ngày càng hiếm, vì vậy anh em y tế nên thi đua nhau tìm ra những thứ thuốc mà nước ta sẵn có nguyên liệu.

2, Cùng những thứ thuốc ta có, anh em nên thi đua nhau tìm cách chữa chóng khỏi mà tốn ít thuốc.

3, Những bệnh phổ thông nhất ở nước ta là: Đau mắt, ghẻ, kiết lỵ, tả, sốt cơn, sốt cảm, báng. Anh em nên  thi đua nhau tìm ra những thứ thuốc dễ sắm nhất và hiệu nghiệm nhất.

Ngoài ra, cách tổ chức làm việc, tuyên truyền vệ sinh, số bệnh nhân được chữa khỏi; giúp đỡ dân chúng..., đều là những điểm cần đưa vào cuộc thi đua”.

Trong “Thư gửi nam nữ học viên Trường y tá Liên khu I” ngày 26/2/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần dạy bảo: 

“Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu  khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh”.

Trong tháng 6/1953, Bác Hồ viết thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc, trong đó nhấn mạnh:

“Lương y phải kiêm từ mẫu”. Cán bộ y tế nên cố gắng thực hiện mấy điểm này:

Về chuyên môn: cần luôn học tập nghiên cứu để luôn tiến bộ, nhưng phải chú trọng cái gì thiết thực và thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến của ta hiện nay.

Về chính trị: cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác.

Về tổ chức: Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới, làm cho nó gọn gàng, hợp lý, ít tốn người, tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân.

 

Về cán bộ: cần lựa chọn và đào tạo nhiều cán bộ mới trong số thanh niên nam, nữ, dạy cho họ những công tác cần thiết trong nhân dân, trong dân công ở vùng tạm chiếm và rừng núi”.

 

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Bác Hồ đã chỉ ra những vấn đề cơ bản cần thực hiện trong công tác y tế là:

 

“Trước hết phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết  là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích...

 

Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.

 

Vì vậy, cán bộ cần phải yêu thương, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng....”.

 

Ngày 31/7/1967, trong “Thư khen cán bộ và nhân viên quân y”, Bác Hồ  đã viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, ngành quân y ta đã có nhiều cố gắng và đã lập được thành tích trong việc cứu chữa thương binh, bệnh binh cũng như trong việc giữ gìn sức khỏe bộ đội. Quân y đã cùng với ngành y tế nhân dân chế được nhiều thuốc hay, tìm  được nhiều cách chữa giỏi, góp phần tổ chức, hướng dẫn cho bộ đội cách ăn ở tốt và đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều cán bộ, nhân viên tốt...

 

Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương  Đảng và Chính phủ khen ngợi các đồng chí. Bác nhắc nhở các cô, các chú phải:

 

- Đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập  và công tác để tiến bộ không  ngừng về chính trị, tư tưởng, về chuyên môn kỹ thuật.

 

- Luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng, hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn...”.      

 

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người thầy thuốc và ngành y tế đến nay vẫn còn nguyên giá trị.  Những lời chỉ bảo và căn dặn của Bác Hồ là tiền đề để ngành y tế xây dựng và thực hiện nghiêm 12 điều y đức như hiện nay.  
Thành Thái
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập