Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, đồng thời là nhà báo lớn, người sáng lập và rèn luyện báo chí cách mạng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã viết hơn 2.000 bài báo, sử dụng hơn 150 bút danh, viết bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc… đăng trên 50 báo, tạp chí ở trong và ngoài nước. Các tác phẩm báo chí của Người có nội dung cách mạng sâu sắc, thấm đẫm tư tưởng cách mạng, giác ngộ và giáo dục quần chúng, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Trong quá trình tìm đường giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, Người sớm nhận ra vai trò và tác động to lớn của báo chí trong đấu tranh xã hội, Người sáng lập ra 9 tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria, năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh niên (1925), Công nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân Ái (1928), Tạp chí Đỏ (1929), Việt Nam độc lập (1941), Cứu quốc (1942). Trong đó, Báo Thanh niên, cơ quan tuyên truyền của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra số đầu ngày 21/6/1925, mở đường cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9/1962). Ảnh: TL.

Từng làm người bán báo, người phát hành báo, làm chủ bút và là một nhà báo của giai cấp vô sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều kinh nghiệm làm báo. Tư tưởng về báo chí của Người là một hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về nhiều lĩnh vực; là kho tàng quý báu để lại cho các thế hệ người làm báo ngày nay và mai sau. Theo Người, đối tượng của báo chí không chỉ dành riêng cho một số tầng lớp nào đó, báo chí phải hướng về đại đa số dân chúng, phải dành cho đông đảo nhân dân. Do đó, nhà báo phải là một con người có tri thức, có trách nhiệm với công việc của mình, với sản phẩm của mình, với mọi hiệu quả, hệ quả của sản phẩm đó. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam 16/4/1959, Người căn dặn các nhà báo "... tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng". Đồng thời, Người chỉ rõ “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ”. Để báo chí luôn là diễn đàn của nhân dân, phục vụ nhân dân, Người khẳng định “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo” và “Không riêng vì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”. Người nhắc nhở những người làm báo “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì?”. Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”. Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài... Việc xác định đúng đối tượng phục vụ của báo chí cũng có nghĩa là nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng.

Tháng 9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Người khẳng định “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, người làm báo cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp; nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động. Nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng. Để người làm báo ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, tác phẩm báo chí ngày càng có hiệu ứng tích cực đối với xã hội, Người đưa ra những lời khuyên chân thành: “Muốn viết báo thì cần: 1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi cho những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4. Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ”. Về cách viết, Người khuyên các nhà báo chú ý giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vì “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Bác thường xuyên yêu cầu tác phẩm báo chí phải ngắn gọn nhưng hàm lượng thông tin phải dồi dào. Làm được như vậy đòi hỏi nhà báo phải có khả năng khái quát, hệ thống hóa. Gốc rễ của vấn đề là năng lực tư duy của người làm báo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn phê bình báo chí khi báo chí đóng vai trò là người viết bài phê bình người khác nhưng bản thân làm việc thiếu nghiêm túc. Cũng tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, với tư cách là một đồng nghiệp có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí, Người nói: "Bài báo thường dài quá, dây cà ra dây muống; Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng… Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng".

Thực hiện tư tưởng của Người về báo chí, những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, trưởng thành, đi đầu trong công tác tuyên truyền, xung kích trong công tác tư tưởng - văn hóa, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. Báo chí phát triển nhanh về số lượng, đến tháng 1/2017, cả nước có 859 tờ báo, tạp chí in; 135 báo, tạp chí điện tử; 258 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Tính đến tháng 9/2016, cả nước có 18.630 nhà báo được cấp thẻ; trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ. Các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống; tuyên truyền đậm nét các Nghị quyết Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của nhân dân, phản ánh nhanh nhạy nhiều mặt của cuộc sống, đồng thời cung cấp cho độc giả nhiều tri thức, thông tin nhiều chiều; kịp thời phát hiện, biểu dương những phong trào thi đua yêu nước, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, dũng cảm đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, tình trạng suy thoái đạo đức và các tệ nạn xã hội khác; thông tin toàn diện về công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của đất nước; triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 11/5/2016 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Nhiều cơ quan báo chí phát huy tính năng động, tích cực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và thành tựu đổi mới của đất nước với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với báo chí cả nước, những năm qua, báo chí Cao Bằng - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng không ngừng phát triển và trưởng thành, nâng cao chất lượng thông tin, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, công chúng. Các cơ quan báo chí của tỉnh kịp thời phản ánh toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, tạo sự đồng thuận nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy KT - XH của tỉnh phát triển.

Phuy truyền thống hào hùng, vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam 92 năm qua, những người làm báo nguyện tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; thực hiện tốt 9 điều “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, mỗi nhà báo không ngừng tu dưỡng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, kỹ năng làm báo, phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội.

M.T(baocaobang.vn)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập