Đảng bộ huyện Trùng Khánh - chặng đường 83 năm xây dựng và phát triển
Ngày 16/9/1939, tại hang Ngườm Mạ, xóm Bản Đà, xã Đình Minh, nay là thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh), chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Trùng Khánh được thành lập và làm nhiệm vụ như Huyện ủy lâm thời với 4 đảng viên. 83 năm qua, từ trong phong trào cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Trùng Khánh đã có nhiều đóng góp cho các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước; nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có nhiều thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng những danh hiệu cao quý.

Đảng bộ huyện Trùng Khánh lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh.

Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào cách mạng của nhân dân ta chống thực dân phong kiến đã liên tiếp bùng nổ. Ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Nặm Lìn (Hoàng Tung - Hòa An). Chi bộ Đảng Cao Bằng lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh, phát triển các cơ sở cách mạng ra các phủ, châu trong tỉnh, trong đó có phủ Trùng Khánh; từ năm 1932, nhiều thanh niên yêu nước Trùng Khánh đã giác ngộ, bắt liên lạc với các cơ sở cách mạng ở Quảng Uyên. Được sự chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, sự giúp đỡ của Chi bộ Cốc Coóc và sự hoạt động tích cực của các đồng chí cán bộ Tỉnh ủy cùng các thanh niên yêu nước ở Trùng Khánh, ngày 16/9/1939, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Trùng Khánh được thành lập và làm nhiệm vụ như Huyện ủy lâm thời với 4 đảng viên, gồm các đồng chí: Nguyễn Thanh Cao, Nguyễn Văn Mân (bí danh Chí Viễn), Nông Quốc Nghĩa (bí danh Ái Quốc sau đổi thành Minh Tâm), Hoàng Thị Đáo; Chi bộ phân công đồng chí Nguyễn Văn Mân làm Bí thư.

Sau khi thành lập, Chi bộ đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Trùng Khánh. Mới ra đời, Chi bộ bị thực dân Pháp khủng bố gắt gao, hoạt động của Chi bộ tạm thời bị gián đoạn, gặp khó khăn nhưng các đồng chí đảng viên vẫn giữ vững chí khí cách mạng tiếp tục hoạt động đón chờ chủ trương mới của Đảng. Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó, Hà Quảng, hội nghị đề ra chủ trương phát triển các tổ chức cứu quốc thành Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị lực lượng cách mạng cả về chính trị, quân sự cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cơ sở cách mạng ở Trùng Khánh như: Thang Lý, phố Co Sầu, Pò Có đã bắt liên lạc với nhau; đến giữa tháng 10/1941 tại Vườn Mọn, Thang Lý, đồng chí Hồng Hải chủ trì cuộc họp bí mật thống nhất các cơ sở cách mạng, củng cố lại Chi bộ Đảng gồm các đồng chí: Minh Hải, Trung Sơn, Trung Thành, Ba Lê, Nguyễn Như Đính, Hoàng Lạc, Hồ Tôn, Minh Tâm, Chí Viễn, Đình Minh; đồng chí Chí Viễn được bầu làm Bí thư. Từ đó phong trào cách mạng ở Trùng Khánh phát triển nhanh chóng; Ban vận động Việt Minh được thành lập chỉ đạo việc phát triển tổ chức Việt Minh, đẩy mạnh huấn luyện và công tác tuyên truyền, phát triển cơ sở Việt Minh khắp toàn huyện…

Trước sự lớn mạnh của Mặt trận Việt Minh, thực dân Pháp và tay sai lo sợ, chúng tăng cường củng cố bộ máy cai trị, tăng cường lực lượng quân sự đàn áp phong trào cách mạng một cách ráo riết, ngày 20/8/1943, chúng đến khám xét nhà đồng chí Trung Thành ở Pò Có, bắt và giết hại dã man bố đồng chí Trung Thành là Lô Văn Khai; ngày 26/1/1945 chúng giết hại người chiến sĩ cộng sản La Cao Thăng tại Lũng Riển, Ngọc Chung; ngày 19/3/1945 trên đường đi dự hội nghị tại xóm Thềnh Quốc, đồng chí Chí Viễn bị địch bắn hy sinh tại Canh Huồng. Không chùn bước trước sự khủng bố của kẻ thù, Chi bộ Đảng và các đồng chí đảng viên vẫn giữ vững tinh thần và kiên cường bám sát phong trào, tích cực chuẩn bị đón thời cơ. Ngày 21/3/1945, Chi bộ tổ chức hội nghị tại Pò Có bàn chủ trương kế hoạch giành chính quyền.

Ngày 18/8/1945, bọn Nhật ở Trùng Khánh rút ra Quảng Uyên, thời cơ ngàn năm có một giành chính quyền về tay nhân dân đã đến, ngày 19/8/1945 Mặt trận Việt Minh lãnh đạo nhân dân và các đoàn thể quần chúng vào cắm cờ ở châu lỵ Trùng Khánh, chính quyền về tay nhân dân, ngày 20/8/1945 cách mạng tổ chức tước ấn tin tri phủ Hoàng Tất Chiếu và Châu đoàn Bế Văn Nội, Trùng Khánh sạch bóng phát xít và tay sai; kết thúc hàng ngàn năm cai trị của chế độ phong kiến, xóa bỏ ách cai trị của thực dân Pháp kéo dài 80 năm; ngày 26/8/1945 tại cuộc mít tinh ở thị trấn Trùng Khánh chính quyền cách mạng lâm thời châu được thành lập, từ đây nhân dân Trùng Khánh cùng với nhân dân cả nước bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Chấp hành chủ trương của Trung ương, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Đảng bộ Trùng Khánh lãnh đạo nhân dân dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc; khí thế sẵn sàng chiến đấu, tiêu thổ kháng chiến rộ lên khắp địa bàn huyện, lực lượng vũ trang được mở rộng, vũ khí trang bị được tăng cường; khi thực dân Pháp tiến công vào Trùng Khánh, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với các huyện bạn đập tan các cuộc tiến công của thực dân Pháp và bọn tay sai, thổ phỉ mà trong đó tiêu biểu là trận đánh quyết liệt giữa đội lão du kích do các cụ Hứa Văn Khải, Nông Thế Hào, cụ Lãm chỉ huy dùng súng “Sàng là” - một loại súng tự tạo đánh địch gây cho chúng nhiều thiệt hại, buộc chúng phải quay lại Quảng Uyên. Sau trận đánh dũng cảm, mưu trí với tinh thần quyết chiến, các cụ lão dân quân Trùng Khánh đã được Bác Hồ đề thơ khen ngợi và tặng quà về thành tích giết giặc: “Tuổi cao chí khí càng cao/Múa gươm giết giặc ào ào gió thu/Sẵn sàng tiêu diệt quân thù/Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”.

Trùng Khánh lúc này là vùng tự do của cả tỉnh, là hậu phương vững chắc được Đảng, Hồ Chủ tịch tin tưởng và đưa hàng hóa vào để chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới. Tháng 3/1950, Hồ Chủ tịch từ Trung Quốc về nước qua Cửa khẩu Pò Peo đến Phja Mạ, đến hang Ngườm Hoài, đến Phja Séc, xã Đình Minh và ra Quảng Uyên để trở về căn cứ địa Việt Bắc. Người trực tiếp kiểm tra, xem xét kho tàng, nhắc nhở nhân dân các dân tộc Trùng Khánh ra sức tăng gia sản xuất, góp sức mình vào cuộc kháng chiến.

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc Trùng Khánh phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng hậu phương vững mạnh, đóng góp sức người, sức của cho miền Nam đánh Mỹ với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

83 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Trùng Khánh đã có nhiều đóng góp cho các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Trong các cuộc kháng chiến đã có 7 người con của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Trùng Khánh được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 64 bà mẹ được tặng thưởng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hàng nghìn người con đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, hàng trăm thương, bệnh binh đã hy sinh một phần thân thể của mình cho Tổ quốc…

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hiện nay, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, Đảng bộ huyện Trùng Khánh lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Từng bước khai thác tiềm năng, nguồn lực, phát huy truyền thống cách mạng, lao động cần cù, sáng tạo, tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, xây dựng hạ tầng cơ sở, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, đảm bảo kinh tế ngày càng phát triển, xã hội ngày càng ổn định.

Những thành tích đạt được trong 83 năm qua khẳng định vai trò lãnh đạo, sự phấn đấu không mệt mỏi và sự đoàn kết nhất trí cao của Đảng bộ; những kết quả đó là động lực, là sự cổ vũ, động viên, khích lệ Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Trùng Khánh vươn lên thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ trong tình hình cách mạng mới, cùng cả nước thực hiện bằng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sánh vai cùng các nước trên thế giới trong nhịp bước khẩn trương của thời đại.

Báo Cao Bằng

Tin liên quan
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập