Đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp an toàn
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn nông sản an toàn cho người tiêu dùng, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản sẵn có tại địa phương, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Vịt cỏ và các sản phẩm từ vịt cỏ huyện Trùng Khánh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Vịt cỏ Trùng Khánh”.

Xác định đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp từ những sản phẩm truyền thống mang tính đặc thù địa phương là lời giải cho bài toán sản xuất nông nghiệp nhằm tạo sự ổn định, tránh tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại, huyện Trùng Khánh đã xây dựng kế hoạch triển khai sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản tại địa phương. Theo đó, nông dân trên địa bàn huyện đã tận dụng lợi thế có trên 156 km sông, suối và gần 60 ha mặt hồ, cánh đồng rộng lớn để nuôi vịt cỏ. Vịt được chăn thả tự nhiên, ăn thức ăn có sẵn từ đồng ruộng, ao hồ như: tôm, tép, ốc và thóc rơi vãi sau thu hoạch đã tạo nên thương hiệu vịt cỏ Trùng Khánh và các sản phẩm từ vịt được nhiều người ưa chuộng.

Để phát triển thương hiệu từ đàn vịt cỏ, UBND huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Vịt cỏ Trùng Khánh” dùng cho sản phẩm vịt cỏ huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng” với 91 hộ tham gia. Khi tham gia Dự án, người dân được tập huấn quy trình sản xuất, chăn nuôi như: chọn nuôi giống vịt cỏ chuẩn bản địa, bảo đảm tỷ lệ nuôi đực/cái tối thiểu; mua cám từ các nhà máy sản xuất có uy tín cao, tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho vịt. Đồng thời, chuồng chăn nuôi đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và có sự liên kết chặt chẽ tỷ lệ trứng vịt ấp nở thành con đạt cao, vịt con nở ra khỏe... Nhờ vậy, chất lượng thịt vịt, trứng, và các sản phẩm chế biến từ thịt vịt cỏ Trùng Khánh ngày càng được thị trường ưa chuộng. Trứng vịt Trùng Khánh có nhiều ưu điểm như lòng đỏ to, đậm màu, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, giá bán trung bình từ 4.000 - 5.000 đồng/quả. Thịt vịt cỏ có màu vàng, ăn có vị ngọt, không có mùi hôi,  giá bán trung bình từ 120 - 150 nghìn đồng/con, mỗi con có trọng lượng từ 1,5 - 1,8 kg.

Với những lợi thế tự nhiên, quy trình chăn nuôi đảm bảo thương hiệu “Vịt cỏ Trùng Khánh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Vịt cỏ Trùng Khánh” theo Quyết định số 49199/QĐ/SHTT ngày 16/6/2021. Theo đồng chí Hoàng Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, hiện nay, trên địa bàn huyện có các sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận như Văn bằng chỉ dẫn địa lý “Trùng Khánh” cho sản phẩm hạt dẻ, Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt Trà Lĩnh”, Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Vịt cỏ Trùng Khánh”. Các sản phẩm được cấp Văn bằng sẽ là giải pháp bảo tồn nguồn giống bản địa, nâng cao giá trị, quảng bá sản phẩm trở thành các sản phẩm nông sản chủ lực, tạo sinh kế bền vững cho người dân, duy trì đặc sản của địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp đặc sản theo hướng an toàn sinh học.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: hạt dẻ, gạo nếp (nếp Ong, nếp Hương, nếp Pì Pất, nếp cẩm), miến dong Nguyên Bình, miến dong Án Lại (Hòa An), thạch đen, đậu tương, lạc đỏ, lê vàng, thịt lợn đen, thịt gà ri, vịt cỏ Trùng Khánh, chiếu trúc xuất khẩu. Để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương, tỉnh đã chủ trương tập trung đẩy mạnh cải thiện chất lượng cho các cây trồng, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất các loại cây trồng lợi thế để nâng cao hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tuyển chọn và ứng dụng nhiều giống cây trồng nông nghiệp phục tráng có năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng. Bảo tồn, phát huy các giống gia súc, gia cầm bản địa. Tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông, lâm sản.

Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của người dân và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, các huyện, Thành phố đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những vùng sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao, rau an toàn tập trung với tổng diện tích trên 6.232 ha, trong đó có hơn 2.500 ha rau, quả, gừng xuất khẩu… được sản xuất hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học. Trước khi triển khai các mô hình, dự án trồng trọt, chăn nuôi, 100% số hộ đều được tập huấn, hướng dẫn về quy trình kỹ thuật an toàn sinh học; có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, thú y bám sát cơ sở theo dõi sát sao sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền các hộ tuân thủ về chế độ dinh dưỡng, có biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh máng ăn, dụng cụ chăn nuôi, tẩy uế khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc thuốc sát trùng để hạn chế các bệnh truyền nhiễm...

Hiện nay có khoảng 60% các hộ chăn nuôi ở các huyện: Hà Quảng, Trùng Khánh, Hòa An và Thành phố... đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà, vịt thả vườn theo hướng an toàn sinh học và hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, được cơ quan chuyên môn chứng nhận. Hằng năm cung ứng ra thị trường gần 100.000 tấn thực phẩm an toàn. Toàn tỉnh đã dần hình thành vùng chăn nuôi lợn, gà, vịt an toàn sinh học với sự tham gia của trên 1.200 hộ chăn nuôi; duy trì 536 nhóm đồng sở thích, trong đó có 380 nhóm được tiếp cận Quỹ đồng tài trợ cạnh tranh với tổng kinh phí hỗ trợ trên 25 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Truân cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm nông sản theo hướng an toàn bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, hình thành nhiều mối liên kết giữa sản xuất, cung ứng và tiêu thụ giữa người dân và doanh nghiệp. Từ đó, cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm được giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, thời gian tới, ngoài việc phát triển các chuỗi sản phẩm an toàn đã được cấp chứng nhận trước đó, các địa phương, đơn vị sản xuất, kinh doanh cần tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm; nghiên cứu, mở rộng phạm vi cung ứng thực phẩm an toàn theo chuỗi. Đồng thời, duy trì, nâng cấp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày một cao hơn của các đơn vị kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường hỗ trợ kiểm soát, giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem sản phẩm đã được kiểm soát theo chuỗi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc in bao bì, tem nhãn để nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia các hội chợ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Báo Cao Bằng

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập