Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023
Lượt xem: 2192

Ngày 25/11/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo đã ký ban hành Văn bản số 3102/UBND-KT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Văn bản chỉ đạo như sau:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố: Tăng cường tổ chức thực hiện các Quyết định, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh: (1) Kế hoạch số 2624/KH-UBND ngày 29/7/2019 về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2019-2025; (2) Kế hoạch số 2174/KH-UBND ngày 31/8/2022 về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025; (3) Chương trình phòng chống bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025 được ban hành kèm theo Quyết định số 2602/QĐ-UBND ngày 21/12/2020; (4) Kế hoạch số 371/KH-UBND ngày 23/02/2021 về phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2022-2030; (5) Kế hoạch số 3623/KH-UBND ngày 22/12/2021 về phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022-2030; (6) Quyết định số 2509/QĐ-UBND ngày 20/12/2021 về giao chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm và hóa chất khử trùng năm 2022 cho các huyện, thành phố; (7) Kế hoạch số 3588/KH-UBND ngày 20/12/2021 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2022.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: thành lập các đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch. Kết thúc đợi kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện của các huyện, thành phố, những tồn tại, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đồng thời đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo đối với nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh (nếu có).

Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đang xảy ra dịch, chỉ đạo xử lý dứt điểm ổ dịch không để dịch lây lan ra địa phương khác. Rà soát, đôn đốc các huyện, thành phố tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.

Phối hợp chặt chẽ với Công an, Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật bất hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Xây dựng dự toán kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để mua đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư phòng, chống dịch bệnh.

Nghiên cứu các quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT để tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã.

3. UBND các huyện, thành phố: hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh, nhất là tại các địa phương đang có dịch, khu vực ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao.

Thông tin tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ động vật, không sử dụng sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ẩm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói rét cho gia súc trong mùa Đông.

Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã và đang có dịch, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho cộng đồng.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm.

Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã, chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Kiện toàn, bổ sung đối với các xã, thị trấn chưa có thú y viên hoặc tập huấn cho người kiêm nhiệm làm công tác thú y nhưng không có chuyên môn nghiệp vụ về thú y đảm bảo thực hiện được công tác giám sát, báo cáo dịch bệnh động vật và kịp thời xử lý khi có dịch bệnh phát sinh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.

 

D.L

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1