Đại tướng Võ Nguyên Giáp với việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
Lượt xem: 44156

Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay) ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình) là một bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng của dân tộc ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; một quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên Võ Nguyên Giáp như bao thế hệ người Việt Nam yêu nước khác, nghe theo tiếng gọi non sông đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thông qua những quan điểm tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong đó nổi bật là những nội dung về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tháng 6/1940, Võ Nguyên Giáp vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó cùng đồng chí Phạm Văn Đồng được Đảng cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Chỉ sau một thời gian ngắn, bằng tầm nhìn và trí tuệ thiên tài, nhãn quan tinh tế, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận ra tư chất của một tài năng quân sự thiên bẩm của nhà cách mạng trẻ Võ Nguyên Giáp. Người đã cử đồng chí Võ Nguyên Giáp đi học ở Trường Quân chính kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An.

Tháng 1/1941, trước khi về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người tiếp tục cử đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Trung Quốc học tập với lời căn dặn “cố gắng học thêm quân sự”. Do tình hình biến đổi mau lẹ, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng được lệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước để tổ chức, huấn luyện lực lượng và chuẩn bị các điều kiện cho việc xây dựng căn cứ địa Cao Bằng.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về tới Pác Bó, xã Trường Hà, châu Hà Quảng (Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, xây dựng Cao Bằng trở thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tại Cao Bằng, từ ngày 10 - 19/5/1941, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8.

Hội nghị đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập; chiến lược cách mạng của nước ta được xác định là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xác định khởi nghĩa là vấn đề then chốt.

Sau khi về nước, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia xây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng, về các địa phương (Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình) mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, phát triển các tổ chức cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng thiết lập chính quyền cách mạng. Đến đầu năm 1943, các xã, tổng thuộc các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình đều có các đội tự vệ, các lớp huấn luyện quân sự và tổ chức diễn tập quân sự.

Cuối năm 1942, theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và quyết định của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, công tác Nam tiến được đặt ra một cách khẩn trương, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Người trực tiếp giao phụ trách Ban xung phong Nam tiến nhằm cấp tốc tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã (tỉnh Bắc Kạn) đi về miền xuôi. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban đã tổ chức được 19 đội xung phong tuyên truyền Nam tiến.

Trên đường Nam tiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp tranh thủ mở thêm các lớp huấn luyện, vừa bổ sung cán bộ cho Ban, vừa củng cố phong trào tại cơ sở. Cuối tháng 11/1943, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng Ban xung phong Nam tiến từ Cao Bằng đã kết nối liên lạc được với khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Sau đó, từ cơ sở cách mạng ở Chợ Chu (Thái Nguyên) đã thiết lập được đường dây liên lạc với Trung ương ở miền xuôi; phong trào cách mạng ở Việt Bắc được gắn liền với phong trào cả nước.

Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và trưởng thành của phong trào đấu tranh cách mạng đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Đến giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phong trào cách mạng ngày càng lan rộng, các tổ chức Việt Minh phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, cuối tháng 9/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về xã Nà Sác (Hà Quảng).

Tháng 10/1944, sau khi nghe báo cáo tình hình cách mạng trong nước, đặc biệt về quyết định khởi nghĩa vũ trang của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, Người nhận định:  “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức đấu tranh thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”...

Để thực hiện phương châm hoạt động mới, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp lo việc tổ chức ra “Đội quân giải phóng” - đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Đồng chí Hoàng Sâm được chọn làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một là, cuộc chiến đấu đầu tiên phải là một cuộc thắng lợi, bởi cuộc chiến đấu ấy có tác dụng rất lớn lao và trong một phần lớn, sẽ quyết định tương lai của đội. Hai là, các cuộc hành động phải nhằm thời gian, phải nhằm địa điểm, tổ chức phải gọn gàng, chu đáo, xuất sắc, làm cho vang dội đến khắp trong nước và vang dội cả ra nước ngoài. Sau mỗi thắng lợi phải triệt để lợi dụng để mở rộng tuyên truyền. Có thế Đội giải phóng quân mới đạt mục đích tuyên truyền của nó, mới kêu gọi toàn dân đoàn kết, vũ trang đứng dậy, mới làm cho nước ngoài chú ý đến cuộc chiến đấu chống phát - xít của dân tộc Việt Nam…”.

Người yêu cầu: “Khi thành lập Đội phải có lời thề danh dự, thành lập xong, ra quân hành động có tính chất quần chúng. Trận đầu, mặc dù đội quân mới thành lập, còn non yếu, nhưng phải chiến thắng…”.

Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, với sự chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo về mọi mặt của đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng, 5 giờ chiều ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình).

Được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể thành lập Đội và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Nhiệm vụ của Đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến... Chúng ta nêu cao tinh thần anh dũng hy sinh. Chúng ta quyết tiến tới để làm tròn nhiệm vụ. Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương và máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc”…

Sau đó, toàn Đội đồng thanh đọc 10 lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp biên soạn. Từ đây, 10 lời thề danh dự này đã trở thành kim chỉ nam cho mọi chiến sĩ Quân đội cách mạng Việt Nam.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, biên chế thành 3 tiểu đội và được trang bị 34 khẩu súng các loại. Đội có chi bộ Đảng gồm 5 đảng viên do đồng chí Xích Thắng làm bí thư. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã đóng góp xứng đáng cho sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, trong Đội có 25 đồng chí là con em các dân tộc Cao Bằng.

Sự kiện Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - được thành lập trên đất Cao Bằng cũng như sự có mặt của 25 con em các dân tộc của tỉnh trong đội ngũ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội đã phần nào nói lên cống hiến to lớn của tỉnh Cao Bằng đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chỉ hai ngày sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã lập liên tiếp hai chiến công oanh liệt: Hạ đồn Phai Khắt (ngày 25/12) và đồn Nà Ngần (ngày 26/12), mở đầu truyền thống “đánh thắng trận đầu” của Quân đội ta. Cũng từ đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp bắt đầu bước vào cuộc đời của một vị tướng cầm quân suốt cuộc trường chinh thế kỷ, trở thành người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh đạo quân ta lập nên những chiến công vang dội.

Cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ huy của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, cùng với nhân dân cả nước, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân -đội quân chủ lực đầu tiên đã không ngừng phát triển, trở thành đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, chiến đấu và chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1975 đến nay.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ được trao, xứng đáng với tín nhiệm và sự rèn luyện, dìu dắt của Hồ Chí Minh. Hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và căn cứ địa Cao Bằng, góp phần quan trọng vào việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng), khẳng định năng lực, tài trí, phẩm chất  cao đẹp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, xuất sắc của Đảng và dân tộc ta - Đại tướng của nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Cao Bằng rất vinh dự, tự hào được thay mặt đồng bào cả nước đón Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là nơi ra đời Mặt trận Việt Minh, nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Hơn 90 năm xây dựng và phát triển, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, nỗ lực cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quyết tâm xây dựng Cao Bằng “trở thành một trong những "đao đí rủng lai" (nghĩa là ngôi sao rất sáng) như lòng mong mỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo Baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1