Cụm di tích cứ điểm Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới năm 1950
Lượt xem: 16555

Tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, lấy tên là chiến dịch Lê Hồng Phong II. Đây là Chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tỉnh Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính của Chiến dịch.

Tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, lấy tên là chiến dịch Lê Hồng Phong II. Đây là Chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tỉnh Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính của Chiến dịch.

http://img.baocaobang.vn/Uploaded/tronghv/2017_09_15/bac%20ho%201.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê ngày (16/9/1950).

Sau khi khảo sát nắm tình hình địch ở pháo đài Cao Bằng, ngày 6/8/1950, Đảng ủy mặt trận bàn bạc và nhận thấy pháo đài quân sự của Pháp tại thị xã Cao Bằng được xây dựng kiên cố, địa hình pháo đài được bao bọc bởi hai con sông, nếu đánh pháo đài, thị xã Cao Bằng thương vong sẽ rất nhiều và chưa chắc đã giành thắng lợi. Vì vậy, Đảng ủy Mặt trận thống nhất chuyển hướng đánh pháo đài thị xã Cao Bằng sang đánh cứ điểm Đông Khê (Thạch An) với nhận định: Điểm của Chiến dịch là Đông Khê, đánh Đông Khê có nhiều lợi thế hơn đánh Cao Bằng, vì Cao Bằng điểm cứng, khó giải quyết được nhanh, đột phá dây dưa, bộ đội ta dễ bị hứng đạn của phi pháo địch, dù có giải quyết được, thương vong cũng sẽ lớn. Đông Khê cũng là một cụm cứ điểm nhưng không to, rộng và cứng như Cao Bằng. Địa hình bao quanh là rừng rậm, núi cao, giúp ta dẫn quân tiến nhập trận địa dễ hơn. Đông Khê là cái “yết hầu” bảo đảm cho Cao Bằng. Đánh vào Đông Khê buộc địch phải cứu viện, sẽ tạo cho ta thời cơ tiêu diệt bọn viện binh. Đánh địch trong lúc đang vận động ngoài công sự dễ dàng, thuận lợi hơn. Một khi viện binh bị tiêu diệt sẽ gây ra nỗi kinh hoàng cho bọn cố thủ trong cứ điểm. Chắc chắn ta dễ thắng toĐồng thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi địch tương đối yếu. Nhưng đây lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê buộc địch phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội tiêu diệt chúng trong vận động.

Ngày 8/9/1950, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh đánh cứ điểm Đông Khê. Cụm cứ điểm Đông Khê được phân bố tại thị trấn Đông Khê, nằm trên trục quốc lộ số 4A, cách pháo đài thị xã Cao Bằng (nay là Thành phố) về phía Đông khoảng 40 km và cách Thất Khê khoảng 20 km. Cụm cứ điểm Đông Khê nằm trong hệ thống phòng thủ Cao - Bắc - Lạng, trực thuộc phân khu Thất Khê.

Đông Khê là vị trí quan trọng của địch trên tuyến phòng thủ đường số 4, nằm lọt trong thung lũng và chiếm gần toàn bộ thị trấn là khu trung tâm đề kháng của căn cứ với hai điểm tựa lớn, trong đó quan trọng và vững chắc nhất là đồn Đông Khê (đồn to). Đồn nằm sát ngay cạnh quốc lộ 4A ở trung tâm thị trấn Đông Khê. Đồn có địa thế rất thuận lợi về cả giao thông và quân sự bởi từ đây có thể quan sát được các khu vực ngoại vi, đặc biệt đồn án ngữ ngay tuyến quốc lộ 4A tỏa về 3 hướng: xuống Lạng Sơn; lên thị xã Cao Bằng; sang huyện Phục Hòa. Thực dân Pháp đã cho xây dựng đồn ở đây rất kiên cố, có hầm hào công sự, lô cốt, xung quanh đồn được rào bằng dây thép gai. Xung quanh khu trung tâm, trên những mỏm đồi và núi đá là một vành đai gồm các cứ điểm ngoại vi, các cứ điểm có hỏa lực mạnh, công sự kiên cố, được xây dựng liên hoàn có thể chi viện hỗ trợ nhau.

Đúng 6 giờ ngày 16/9/1950, quân ta nổ súng pháo kích vào cứ điểm Đông Khê, mở màn cho Chiến dịch Biên giới. Cũng trong sáng sớm 16/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đài quan sát theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê - trận đánh mở màn cho Chiến dịch Biên giới 1950. Trong khoảnh khắc Người đang chăm chú theo dõi trận đánh bằng ống nhòm trên đỉnh núi Báo Đông, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Năng An đã kịp thời chớp ống kính ghi lại bức ảnh lịch sử “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê”.

Hướng Đông Bắc, Trung đoàn 174 tổ chức mở cuộc tiến công các vị trí tiền tiêu ở ngoại vi; 9 giờ ngày 16/9/1950chiếm đồn Yên Ngựa; 10 giờ 30 phút chiếm đồn Phja Khóa nằm ở phía Đông đồn Đông Khê. Hướng Tây Nam, Trung đoàn 209 đến 18 giờ ngày 16/9/1950 mới nổ súng; đến 21 giờ chiếm được đồn Pò Đình và tiếp tục tấn công đồn Pò Hẩu.

Ngày 17/9/1950, ta tiếp tục tấn công địch. 4 giờ sáng, Trung đoàn 174 chiếm đồn Cạm Phầy, Trung đoàn 209 chiếm Phủ Thiện. Trưa 17/9, ta bắn rơi một máy bay Kingcobra trong đợt vãi đạn yểm trợ cho đồn Đông Khê. Cuối chiều 17/9/1950, trước sự chống trả quyết liệt của địch, cuộc tấn công tạm dừng. 18 giờ 30 phút ngày 17/9/1950, chỉ huy trưởng mặt trận Hoàng Văn Thái hạ lệnh tổng tấn công. Tiểu đoàn 251 tấn công hướng Đông về phía đồn Đông Khê. Hướng Bắc, Tiểu đoàn 249 chiếm Đồn nhà thương (đồn hướng Bắc). Trận chiến đấu kéo dài suốt đêm và xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh dũng cảm. Tiểu đội trưởng La Văn Cầu ôm bộc phá lao lên và bị thương, nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương tiếp tục ôm bộc phá xông lên tiêu diệt đồn địch. Đồng chí Lý Viết Mưu bị thương vẫn dũng cảm ôm bộc phá, phá tan lô cốt của địch và anh dũng hy sinh. Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai... Tấm gương của nhiều dân công tham gia trận đánh, như: Chị Đinh Thị Dậu nhiều lần vượt qua bom đạn tiếp tế đạn cho bộ đội và dùng thắt lưng cõng thương binh vượt qua lửa đạn về hậu cứ cứu chữa. Chị Triệu Thị Soi dũng cảm vượt qua những dốc đá cheo leo, đi lại như con thoi tiếp đạn cho trận địa pháo. Chị Đinh Thị Bỏng dẫn 38 chị em dân công huyện Thạch An suốt ngày đêm tải đạn, tải thương phục vụ trận đánh.

Đến 4 giờ 30 phút ngày 18/9, quân ta thọc sâu chiếm Sở Chỉ huy, buộc số địch còn lại xin hàng, bắt Đại úy An-Li-Úc, Chỉ huy trưởng cứ điểm Đông Khê và sĩ quan tham mưu. 10 giờ ngày 18/9, quân ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đông Khê, làm chủ thị trấn Đông Khê, Trải qua 54 giờ chiến đấu, trận đánh cứ điểm Đông Khê - trận đánh mở màn cho Chiến dịch Biên giới giành thắng lợi to lớn, tiêu diệt hơn 120 lính Pháp, bắt hơn 200 tên, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy và tịch thu  một số vũ khí và quân trang quân dụng.

Trận đánh cứ điểm Đông Khê là trận đánh đầu tiên tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam áp dụng thành công chiến thuật công kiên cấp trung đoàn. Thắng lợi của trận đánh cứ điểm Đông Khê đã tạo điều kiện quan trọng cho Chiến dịch, đồng thời mở ra một giai đoạn chiến đấu mới: Chuyển từ cách đánh du kích sang đánh chính quy. Trận đánh cứ điểm Đông Khê giành thắng lợi đã chặt đứt một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch trên đường số 4. Tuyến phòng thủ của địch trên đường số 4 bị chặt làm đôi giữa phân khu Cao Bằng và phân khu Thất Khê. Là trận đánh lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam có sự hiệp đồng giữa các binh chủng, tập trung tiêu diệt một cứ điểm lớn của Pháp bố trí phòng ngự trong công sự kiên cố, hỏa lực mạnh, quân số đông ở địa hình vùng núi hiểm trở.

Với những giá trị ý nghĩa lịch sử, đồn Đông Khê đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1975. Ngày nay, di tích đồn Đông Khê đã được đầu tư tôn tạo với các hạng mục: Lô cốt tháp canh; nhà trại lính; lô cốt số 1; lô cốt số 2; hệ thống hầm ngầm. Tất cả đều được phục dựng trên nền đất cũ. Đặc biệt hiện nay trên đồn Đông Khê còn sót lại đoạn tường xây đồn Pháp dài gần 20 m. Tại đồn Đông Khê còn có khu nghĩa trang với diện tích rộng hơn 2.000 m2, quy tập hơn 400 mộ liệt sỹ, trong đó có hơn 200 mộ liệt sỹ trong Chiến dịch Biên giới 1950. Phía sau còn có Nhà bia tưởng niệm ghi tên các anh hùng liệt sỹ của huyện Thạch An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1979.

Ngoài di tích đồn Đông Khê còn có các điểm di tích nằm trong hệ thống bố phòng của địch bảo vệ cứ điểm Đông Khê: đồn Yên Ngựa; đồn Phja Khóa; đồn Pò Đình; đồn Pò Hẩu; đồn Cạm Phầy; đồn Nhà Thương; nhà Phủ Thiện. Các di tích hiện nay không còn nguyên trạng, chỉ còn một số dấu tích. Cụm di tích cứ điểm Đông Khê thuộc thị trấn Đông Khê là địa chỉ đỏ nhằm giáo dục lịch sử cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng như đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1