Xã Thông Huề

I. Thông tin chung

Địa chỉ: Trụ sở xã Thông Huề: Phố Thông Huề 1, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh,Tỉnh Cao Bằng.

Số điện thoại:   0263829005

Email: ubndthonghuetk@caobang.gov.vn

Danh sách các đồng chí lãnh đạo xã:

STT

Họ và tên

Chức vụ

Số điện thoại

1

Hà Văn Trình

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND

01655693793

2

Bế Văn Vĩnh

PBT.Thường trực, Đảng uỷ

01682648896

3

Nông Văn Sòi

Chủ tịch UBND xã

01688902034

4

Đàm Đình Mến

PCT. HĐND xã

01689430649

5

Nông Thị Huyên

PCT. UBND, Chủ tịch UB MTTQ

01635511289

II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ XÃ HỘI

1. Vị trí địa lý   

Xã Thông Huề là xã miền núi nằm ở phía Nam của huyện Trùng Khánh. Được chia thành 11 xóm hành chính: Phố Thông Huề I, phố Thông Huề II, Nặm Thúm, Nà Keo, Nà Ít, Nà Thềnh, Bản Cưởm+Sộc Riêng, Bản Khuông, Cốc Chia, Cốc Rầy, Nặm Dọi. Có 3 dân tộc chính là: dân tộc tày chiếm 50% , dân tộc nùng chiếm 49% và dân tộc kinh 1% cùng chung sống với nhau lâu đời ,đoàn kết ,gắn bó nhau xây dựng quê hương, đất nước.

* Phía Bắc giáp xã Trung Phúc, xã Đức Hồng.

* Phía Đông giáp xã Thân Giáp, xã Đoài Côn.

* Phía Nam giáp xã Đoài Côn, xã Bình Lăng của huyện Quảng Uyên.

* Phía Tây giáp xã Quảng Hưng của huyện Quảng Uyên, xã Trung Phúc.

2. Diện tích tự nhiên

Xã Thông Huề có tổng diện tích tự nhiên là: 1.340,66 ha, trong đó:

* Đất nông nghiệp:  1.115,34 ha chiếm 83,19 % diện tích tự nhiên.

+ Đất sản xuất nông nghiệp: 324,55 ha.

+ Đất lâm nghiệp: 789,16 ha.

+ Đất nuôi trồng thủy sản: 1,63 ha.

* Đất phi nông nghiệp: 169,68 ha chiếm 12,65 % diện tích tự nhiên.

* Đất chưa sử dụng: 55,64 ha chiếm 4,15 % diện tích tự nhiên.

3. Đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn

* Về địa hình: Thông Huề là xã miền núi có độ cao so với mặt nước biển từ 500 – 800 m địa hình của xã phân làm 2 vùng:

- Vùng 1: Là vùng trung tâm xã gồm 7 xóm, dân cư  tập chung chủ yếu nằm ở hai bên bờ sông Bắc vọng và trải đều theo đường tỉnh lộ 206. Có cánh đồng lúa tương đối bằng phẳng, xen giữa những dãy núi đá là những thung lũng, được kiến tạo bởi thiên nhiên và bao trí tuệ, công sức khai phá của nhân dân các dân tộc từ lâu đời đã tạo nên những cánh đồng, ruộng rẫy trù phú. Có dòng sông Bắc Vọng chảy qua hàng năm cung cấp lượng phù sa màu mỡ và tưới tiêu cho đồng ruộng thuận lợi, phục vụ đời sống dân sinh ở địa phương .

- Vùng 2: Là vùng núi cao gồm có 4 xóm ở phía tây nam, khan hiếm về nước sản xuất và nước sinh hoạt; phần lớn phụ thuộc vào nước mưa. Năng suất không ổn định, nguồn thu nhập chủ yếu là chăn nuôi và khai thác quặng.

* Về khí hậu: 

Thông Huề chịu nhiều ảnh hưởng của khí hậu á nhiệt đới; thường chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi gió mùa ,chủ yếu là gió mùa đông bắc. Mùa đông ,độ ẩm thấp ,khô hanh và rét buốt; mùa hè nóng bức ,chỉ mát dịu về ban đêm . Khí hậu hai mùa nóng và lạnh rõ rệt, nhiệt độ trung bình năm là 19,8C. Trong năm có 3 tháng: tháng 12, tháng 01, tháng 02 có nhiệt độ trung bình dưới 15C, thấp nhất là 5-7C. Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 9 nhiệt độ trung bình từ 24,20C, cao tuyệt đối là trên 360C.

Biên độ nhiệt độ giữa các tháng trong năm chênh lệch trung bình 7,50C giữa ngày và đêm cũng rất lớn, tháng 12 là 8,80C.

Lượng mưa bình quân năm 1.665,5mm, năm cao nhất 2.870,6mm, năm thấp nhất 1.188mm. Lượng mưa trong năm lớn, mưa phân bổ không đều giữa các mùa, mưa tập trung từ tháng 4 đến tháng 9 trung bình 1.375mm chiếm 82,5% tổng lượng mưa cả năm. Mưa lớn tập trung vào các tháng 6,7,8. Lượng mưa ngày lớn nhất 286,3mm. Mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau chỉ có 290,5mm, tháng mưa ít chỉ đạt 0,1-0,19mm, thậm chí có tháng không mưa.

- Gió: Mùa hè có gió Nam và đông nam, mùa đông có gió đông bắc bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Đây là loại gió lạnh có khi hình thành băng giá, thậm chí mưa tuyết…

- Sương muối: thường xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Số ngày xuất hiện trong năm thường từ 1 - 20 ngày, có từ 2-3 đợt, kéo dài nhất là 3 ngày.

* Về thủy văn:  Sông Bắc Vọng có lưu lượng lớn nhất 350m3/s, lưu lượng nhỏ nhất 0,76m3/s.

4 . Giao thông:

Thông huề là xã cửa ngõ của Huyện Trùng khánh tiếp giáp với huyện Quảng Uyên có đường tỉnh lộ 206 chạy qua giao thông đi lại dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các phương tiện tham gia giao thông vận chuyển ,trao đổi hàng hóa … góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế  văn hóa - xã hội ở địa phương.. Ngoài ra các tuyến đường liên thôn, liên bản trên địa bàn xã Thông Huề từ đường trục tỉnh lộ 206 vào các thôn,xóm cơ bản đã được bê tông hóa 100% .  

5. Văn hóa - xã  hội:

Về giáo dục:

Trong những năm qua hệ thống giáo dục luôn được quan tâm xây dựng đến nay cơ bản 4 cấp trường trên địa bàn xã đã có trường lớp khang trang, cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác dậy và học. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên, học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào các trường Cao đẳng và Đại học năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh đến tuổi đi học đạt 100%; Giữ vững phổ cập giáo dục ở các cấp trường.

                          Trường Tiểu học Thông Huề

* Về Y tế:

Trạm y tế xã phần lớn đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Đội ngũ cán bộ y tế đã được đào tạo cơ bản. Trạm có 1 Bác sỹ, 2 y sỹ, 1 điều dưỡng, 1 NHS. Tuy nhiên diện tích còn chật hẹp, cơ sở vật chất đang xuống cấp và cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước để đầu tư nâng cấp đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh bệnh cho người dân.

* Về Văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao:

- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền chào mừng các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của nhân dân, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao… góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

- Hàng năm Ban văn hóa kết hợp với Đoàn thanh niên tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao trong phạm vi toàn xã nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân trên địa bàn. Đội văn nghệ quần chúng của phố, xóm tập luyện, có những tiết mục tự biên tự diễn với các làn điệu dân ca như “Dá hai, Hát lượn, Hát sli, Phong sư”…mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia cổ vũ và đồng tình ủng hộ.

* Lễ hội, văn hóa truyền thống:

Cứ vào những năm nhuận, nhân dân phố Thông Huề  xã Thông Huề lại tổ chức “Đêm hội hoa đăng” tại miếu Long Vương  vào khoảng giữa tháng 2 âm lịch để cầu mùa, cầu mưa thuận, gió hòa , mùa màng bội thu ,.cầu tài, cầu lộc…                            


Đây là lễ hội giàu bản sắc dân tộc, độc đáo với việc thả hàng trăm chiếc hoa đăng làm lung linh cả một dòng sông với quan niệm truyền thuyết để lại người nào vớt được đèn sẽ gặp nhiều may mắn, phát tài, phát lộc ….

Lễ hội Hoa đăng là lễ hội độc đáo giầu bản sắc dân tộc có từ lâu đời với nhiều hoạt động gắn với các yếu tố tâm linh của miếu Long Vương - ngôi miếu rất linh thiêng trong tâm thức người dân Thông Huề và các vùng lân cận. 
Miếu Long Vương nằm bên bờ sông Bắc Vọng, dưới chân núi "Ba cô tiên", thuộc phố Thông Huề. Miếu được xây dựng từ thời nhà Lê; đến năm 2005, người dân Thông Huề đã cùng đóng góp công sức tôn tạo xây dựng lại. 
Trước cổng miếu có sân tiền đường, hoành phi câu đối. Trên cổng khắc ba chữ "Long Vương miếu", trong miếu thờ tượng Nam Hải Long Vương ngao thuận. Bên trái tượng có câu đối: "Thủy giới páo dạu xiên gia thái"; bên phải có câu: "Long vương phù tì vạn dân an"; phía sau tượng có ba chữ: "Thủy tinh cung"; phía trước (trên đầu tượng) thờ hai con mãng xà. Tương truyền, ngày xưa, người dân đi lại qua sông Bắc Vọng (đầu phố Thông Huề), năm nào cũng có người gặp nạn, thủy quái bắt từ 1 - 2 người về thủy cung. Trong phố Thông Huề có hai vợ chồng làm nghề quét chợ, không có con. Do ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, vua Thủy Tề cho Nam Hải Long Vương đầu thai làm con. Một hôm, người con nói với bố mẹ: Mai con về thủy cung, bố mẹ và bà con ở lại mạnh khỏe, con về xin vua cha hàng năm sẽ không cho bắt những người dân đi qua cầu Thông Huề nữa. Đêm đó người con chết. Từ khi người con của ông bà quét chợ chết, người dân qua lại sông Bắc Vọng không bị gặp nạn nữa. Bố mẹ và nhân dân thương người con, lập miếu thờ ghi nhớ công ơn cứu mạng muôn dân.
Chủ lễ là người cao tuổi, có đức độ, uy tín trong vùng. Trong phần lễ không thể thiếu thầy Tào làm lễ, bên cạnh đó có múa lân, một người đánh trống, một người đánh thanh la; hai đôi nam nữ khiêng tượng Nam Hải Long Vương và hai nhi đồng rước đèn hai bên. Chủ lễ thắp hương vái thiên địa thần linh và Long Vương, cầu xin Long Vương phù hộ độ trì cho con cháu bình an, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Phần hội được tổ chức tại sân miếu với nhiều hoạt động hấp dẫn như: múa lân, tung còn, hát dá hai, cờ tướng, đẩy gậy, thi làm bánh khảo, thi làm tương…

Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Sau 2 ngày làm lễ tại miếu, sang ngày thứ ba đoàn sẽ rước kiệu tượng Nam Hải Long Vương, đi trước là đội lân, có hai thiếu niên cầm đèn lồng rước kiệu đi vào thổ công, sau đó lần lượt đến từng nhà trong phố Thông Huề chúc phúc. Sau khi đi hết các gia đình chúc phúc, đoàn lại rước kiệu quay trở lại miếu chờ đến 20h00 thì ra sông làm lễ thả đèn hoa đăng. Trước khi thả đèn, thầy Tào làm lễ ngay tại bờ sông, sau đó thả hàng trăm ngọn đèn hoa đăng xuống dòng sông. Hàng nghìn người từ khắp các vùng lân cận về tụ tập tại hai bên bờ sông để vớt đèn hoa đăng với mong muốn gặp nhiều may mắn. Đặc biệt những đôi vợ chồng lấy nhau nhiều năm mà chưa có con thì về đây vớt đèn hoa đăng cầu tự.
Lễ hội hoa đăng ở phố Thông Huề hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự .

III. Đánh giá tiềm năng của toàn xã

1. Thuận lợi  

Xã có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, có Tỉnh lộ 206 chạy qua, có các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đó là một trong những thuận lợi để xã tăng cường  phát huy mối quan hệ giao lưu, trao đổi hàng hóa với các địa phương khác đẩy mạnh phát triển trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, an ninh, quốc phòng….

Có diện tích tự nhiên tương đối lớn, đất có độ phì thích hợp cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, lực lượng lao động dồi dào chiếm 93% lao động sản xuất kinh doanh của toàn xã. Vì vậy rất thuận tiện cho việc phát triển cây lương thực, cây ăn quả, các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây lâm nghiệp phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Trong mấy năm gần đây công tác phát triển nông lâm nghiệp càng được chú trọng nên tổng sản lượng lương thực của xã ngày càng tăng và ổn định.

Thông Huề là một trong những xã có nguồn tài nguyên khoáng sản với trữ lượng lớn như Mỏ quặng măng gan ở Bản Khuông, Nặm Dọi…

             (Mỏ quặng măng gan ( Mg) Đèo Liêu – Bản Khuông)

2. Khó khăn

Mặc dù điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội có nhiều mặt thuận lợi, song bên cạnh đó cũng gặp không ít khó khăn do diễn biến thời tiết bất thường, thiên tai dịch bệnh gây ra, hạn hán kéo dài, mưa to gây lũ quét, mưa đá…làm thiệt hại đến mùa màng, thời tiết rét đậm kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất; cơ sở hạ tầng còn thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí chưa đồng đều, việc ứng dụng khoa học vào sản xuất còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Mặt khác cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống nhân dân ngày một nông cao, kéo theo các tệ nạn xã hội cũng gia tăng như: số người nghiện vẫn chưa giảm, đẩy lùi; tai nạn giao thông vẫn còn xảy ra; an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã từng lúc, từng nơi vẫn còn tiềm ẩn ,diễn biến phức tạp . Một phần làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương ./.

IV. Định hướng phát triển:

Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, xã Thông Huề (Trùng Khánh) được đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, góp phần tạo bước chuyển biến trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. An ninh chính trị ổn định, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

Tiếp tục duy trì phương hướng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo mọi điều kiện chuyển dịch nhanh nền kinh tế với cơ cấu nhiều thành phần. Chủ động vươn lên, phát huy đầy đủ và khai thác triệt để những nguồn nội lực như tiềm năng đất đai nông, lâm nghiệp, tài nguyên rừng, khoáng sản, lao động, truyền thống để phát triển kinh tế có hiệu quả nhằm nhanh chóng hoà nhập vào quá trình phát triển chung của cả nước, tránh tụt hậu xa về kinh tế.

Phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết tốt vấn đề xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường .

Một vài hình ảnh đẹp của quê hương Thông Huề 

                                     Một góc phố Thông Huề, xã Thông Huề (Trùng Khánh).

(Gia đình anh Chì Hồng Hà, phố Thông Huề 1, xã Thông Huề  duy trì nghề làm đậu phụ chao, tạo thu nhập thường xuyên)

Nhiều hộ gia đình ở phố Thông Huề 1 duy trì và phát huy nghề truyền thống tạo nguồn thu nhập. Có gần 60 hộ đầu tư, phát triển sản xuất 3 sản phẩm chính: đậu phụ chao, tương mạch hoa, bánh khảo. Các sản phẩm có hương vị đặc trưng riêng, được thị trường ưa chuộng và đánh giá cao. Anh Chì Hồng Hà, phố Thông Huề 1 cho biết: gia đình tôi vẫn duy trì nghề đậu chao truyền thống, đến ngày chợ phiên gia đình tôi thu về gần 1 triệu đồng từ bán đậu phụ chao.  

Bánh khảo là loại món ngọt truyền thống của người Tày, Nùng bánh thường được sử dụng nhiều vào những dịp lễ Tết đồng thời cũng là quà biếu trong những dịp đặc biệt.  Và đây chính là nghề truyền thống tạo thu nhập cho người dân phố Thông Huề. Bánh khảo được làm từ bột nếp rang với đường, nhân là mỡ phần. Làm bánh khảo cũng mất khá nhiều thời gian vì quy trình dài gồm: rang gạo, xay bột, hạ thổ, giã đường, làm nhân, vò bột, vào khuôn…

           

Quê hương Thông Huề được thiên nhiên ưu đãi: có núi, sông, đồng ruộng, mương rẫy, khoáng sản, động thực vật phong phú. Ngoài ra còn có các ngành, nghề truyền thống như: làm bánh khảo, làm tương, làm đậu chao. Đó là những tiềm năng vô cùng to lớn, nếu được đầu tư, khai thác hợp lý sẽ tạo cho Thông Huề những điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững .

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập