Giới thiệu chung
   

      1- Vị trí

Trùng Khánh là một huyện miền núi nằm ở phía đông bắc tỉnh Cao Bằng, Việt Nam.

Huyện lỵ của huyện là thị trấn Trùng Khánh, cách thành phố Cao Bằng 58 km và cách thành phố Hà Nội 310 km theo tỉnh lộ 206. Huyện có 2 cửa khẩu quốc gia với Trung Quốc là Cửa Khẩu Trà Lĩnh  ở thị trấn Trà Lĩnh, Cửa Khẩu Pò Peo ở xã Ngọc Côn và các đường tiểu ngạch khác.

Huyện Trùng Khánh có vị trí địa lý:

  • Phía bắc giáp Quảng Tây, Trung Quốc. 
  • Phía nam giáp huyện Hòa An và huyện Quảng Hòa.
  • Phía đông giáp huyện Hạ Lang.
  • Phía tây giáp huyện Hà Quảng.

Huyện Trùng Khánh có diện tích 688,01 km2, dân số năm 2019 là 70.424 người, mật độ dân số đạt 102 người/km2

       2 – Hành chính

      Huyện Trùng Khánh có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Trùng Khánh (huyện lỵ), Trà Lĩnh và 19 xã: Cao ChươngCao ThăngChí ViễnĐàm ThủyĐình PhongĐoài DươngĐức HồngKhâm ThànhLăng HiếuNgọc CônNgọc KhêPhong ChâuPhong NặmQuang HánQuang TrungQuang VinhTri PhươngTrung PhúcXuân Nội.

      3 - Lịch sử

       Huyện Trùng Khánh là vùng đất cổ, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tên gọi Trùng Khánh đã được đề cập từ khá sớm trong sử sách.[3]

Thời kỳ nhà Lý (1010-1225) có tên gọi là Tư Lang. Đến thời kỳ nhà Trần (1225-1400) vẫn mang tên gọi như trước.

Đời thuộc Minh, chia Tư Lang làm Thượng Tư Lang và Hạ Tư Lang. Thời nhà Lê đổi làm Thượng Lang. Vào thời kỳ nhà Lê (Lê Thánh Tông), niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) thì phủ Cao Bằng còn thuộc thừa tuyên Thái Nguyên, gồm 4 châu, trong đó châu Thượng Lang (Trùng Khánh ngày nay) có 29 xã. Thượng Lang từ lúc đó đến thời kỳ nhà Mạc (1592-1677) kéo dài đến năm 1802-1820.

Thời vua Gia Long thì châu Thượng Lang được ghi rõ hơn, trong sách "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX" có ghi rằng: châu Thượng Lang có 4 tổng, 35 xã, thôn; trong đó tổng Lăng Yên có 13 xã, thôn; tổng Nga Ổ có 9 xã, thôn; tổng Ỷ Cống có 9 xã, lũng; tổng Dương Châu có 6 xã.

    Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), đổi tên phủ Cao Bằng thành phủ Trùng Khánh.

Năm Tự Đức thứ 4 (1831), sau cải cách hành chính, đổi trấn làm tỉnh (1831), đổi châu làm huyện (1834) thì tỉnh Cao Bằng có 1 phủ là phủ Trùng Khánh và 5 huyện. Huyện Thượng Lang thời kỳ này có 4 tổng với 37 xã, thôn.

Những năm cuối thế kỷ XIX, Cao Bằng có phủ Trùng Khánh và phủ Hòa An, trong đó phủ Trùng Khánh có 3 châu là: Thượng Lang, Hạ Lang và Quảng Uyên.

Đầu thế kỷ XX, tỉnh Cao Bằng đổi tên thành Đạo quan binh thứ nhì, gồm phủ Hòa An (phủ lỵ ở Nước Hai) với 7 châu, miền đông vẫn gồm phủ Trùng Khánh, gồm 3 châu. Châu Thượng Lang có châu lỵ đặt ở Trùng Khánh phủ.

Năm 1928, theo cuốn "Danh mục các làng xã Bắc Kỳ" xuất bản tại Hà Nội, thì Cao Bằng có 1 phủ, 38 tổng, 230 xã; khi đó châu Thượng Lang có 6 tổng, 42 xã. Tổng Lăng Yên 11 xã, tổng Nga Ổ 5 xã, tổng Phong Châu 6 xã, tổng Phong Đằng 7 xã, tổng Trà Lĩnh 7 xã, tổng Ỷ Cống 6 xã.

    Năm 1942, tổng Trà Lĩnh tách khỏi phủ Trùng Khánh, lập thành châu Trấn Biên.

    Năm 1945, tổng Phong Đằng tách khỏi phủ Trùng Khánh và nhập vào châu Hạ Lang.

    Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, phủ Trùng Khánh đổi tên thành huyện Trùng Khánh thuộc tỉnh Cao Bằng.

    Sau năm 1975, huyện Trùng Khánh có thị trấn Trùng Khánh (huyện lỵ, tên bản địa là Co Sàu) và 24 xã: Cảnh Tiên, Cao Thăng, Chí Viễn, Đàm Thủy, Đình Minh, Đình Phong, Đoài Côn, Đức Hồng, Đức Quang, Khâm Thành, Kim Loan, Lăng Hiếu, Lăng Yên, Lý Quốc, Minh Long, Ngọc Chung, Ngọc Khê, Phong Châu, Phong Nặm, Quang Thành, Thân Giáp, Thắng Lợi, Thông Huề, Trung Phúc.

    Ngày 8 tháng 10 năm 1980, giải thể xã Quang Thành, địa bàn nhập vào các xã Đình Phong, Chí Viễn, Phong Châu.

    Ngày 10 tháng 6 năm 1981, thành lập xã Đồng Loan trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của các xã Lý Quốc, Minh Long và Thắng Lợi; điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Minh Long vào xã Lý Quốc; điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Chí Viễn vào xã Đàm Thủy.

    Ngày 1 tháng 9 năm 1981, chuyển 6 xã: Minh Long, Lý Quốc, Đức Quang, Thắng Lợi, Kim Loan, Đồng Loan về huyện Hạ Lang vừa tái lập.

    Ngày 13 tháng 12 năm 2007, thành lập xã Ngọc Côn trên cơ sở điều chỉnh 2.367,63 ha diện tích tự nhiên và 2.226 nhân khẩu của xã Ngọc Khê.

    Ngày 10 tháng 1 năm 2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14. Theo đó:

  • Sáp nhập xã Đình Minh vào thị trấn Trùng Khánh
  • Sáp nhập xã Cảnh Tiên vào xã Đức Hồng
  • Sáp nhập xã Lăng Yên vào xã Lăng Hiếu
  • Sáp nhập xã Ngọc Chung vào xã Khâm Thành
  • Hợp nhất 3 xã Thông Huề, Đoài Côn, Thân Giáp thành xã Đoài Dương.

    Sau khi điều chỉnh, huyện Trùng Khánh có thị trấn Trùng Khánh và 13 xã: Cao Thăng, Chí Viễn, Đàm Thủy, Đình Phong, Đoài Dương, Đức Hồng, Khâm Thành, Lăng Hiếu, Ngọc Côn, Ngọc Khê, Phong Châu, Phong Nặm, Trung Phúc.

    Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 897/NQ-UBTVQH14. Theo đó:

  • Sáp nhập 219,63 km² diện tích tự nhiên và 20.257 người của huyện Trà Lĩnh vừa giải thể (gồm thị trấn Hùng Quốc và 6 xã: Cao Chương, Quang Hán, Quang Trung, Quang Vinh, Tri Phương, Xuân Nội) vừa giải thể vào huyện Trùng Khánh.
  • Đổi tên thị trấn Hùng Quốc thành thị trấn Trà Lĩnh thuộc huyện Trùng Khánh.

Huyện Trùng Khánh có 2 thị trấn và 19 xã như hiện nay.

       4 - Địa hình

        Về địa hình, huyện Trùng Khánh có độ cao trung bình từ 600-800 m so với mặt nước biển; có cấu trúc địa hình đa dạng, phức tạp, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Xen giữa những dãy núi đá là những thung lũng bằng phẳng, được kiến tạo bởi thiên nhiên và bao trí tuệ, công sức khai phá của nhân dân các dân tộc từ nhiều đời, đã tạo nên những cánh đồng, ruộng rẫy trù phú, như các vùng Ngọc Khê, Đình Phong, Chí Viễn, Trung Phúc, Đàm Thủy, Phong Nặm, Lăng Hiếu, Phong Châu, Đức Hồng, Cao Thăng,…Nét đặc trưng của địa hình Trùng Khánh là giữa các thung lũng bằng phẳng có những ngọn núi đá, núi đất sừng sững, nhấp nhô với nhiều hình dạng, tiêu biểu là vùng Ngọc Khê (thuộc xã Ngọc Khê) dọc sông Quây Sơn, được dân gian ca ngợi là vùng “Hà lục sơn thủy hữu tình”.

 

        Huyện Trùng Khánh còn có những dãy núi đá cao, chạy dọc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, ở phía Bắc và Đông Bắc, tựa hồ một phên dậu, bức tường thành che chắn. Trong những dãy núi đó cao nhất là ngọn Giang Mũ, thuộc xã Ngọc Khê, với độ cao trên 873 m. Phía Nam và Tây Nam là địa hình chuyển tiếp của cao nguyên miền Đông (thuộc đới Hạ Lang trong kiến tạo địa chất thuộc vùng đất có nhiều khoáng sản quý như măng gan, bôxít, thạch anh, ngọc bích,…), cao dần từ Nam lên Bắc.

        5 – Khí hậu

        Do điều kiện vị trí địa lý và địa hình, huyện Trùng Khánh chịu nhiều ảnh hưởng của khí hậu á nhiệt đới; thường chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi gió mùa, chủ yếu là gió mùa Đông Bắc. Mùa Đông, độ ẩm thấp, khô hanh và rét buốt; mùa Hè nóng bức, chỉ mát dịu về ban đêm. Khí hậu hai mùa nóng lạnh rõ rệt. Mùa lạnh bắt đầu từ tháng 10, kéo dài đến hết tháng 5 năm sau. Nửa đầu mùa lạnh là thời kỳ khô hanh, ban ngày nhiệt độ ấm áp, nhưng ban đêm nhiệt độ thường thấp, với độ chênh lệch giữa ngày và đêm từ 5-100C; cuối mùa lạnh thường có mưa phùn, tiết trời âm u, độ ẩm cao; chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khoảng 4-50C. Tháng 12 và tháng giêng hàng năm thường có gió mùa Đông Bắc tràn về, nên đây thường là những tháng lạnh nhất, có sương muối, nhiệt độ có lúc xuống dưới 00C. Sương muối thường xuyên xảy ra từng đợt từ 1-2 ngày, đôi khi lên tới 4-5 ngày. Mùa nóng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9. Nhiệt độ cao nhất trong tháng 5 và tháng 6, trung bình lên tới 36C. Sau tháng 7 nhiệt độ giảm dần, trung bình khoảng từ 20-250C. Vào khoảng giữa tháng 4 và tháng 5, do sự chuyển tiếp giữa mùa nóng và mùa lạnh, nên hàng năm dễ xảy ra mưa đá.

        Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1500mm-1900mm. Có những năm mưa nhiều, thường gây lũ lụt cục bộ; ở các vùng thượng nguồn, đất ruộng và rẫy dễ bị rửa trôi bạc màu, gây hư hại cho cây cối, mùa màng, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của nhân dân.

         6 - Hệ thống sông ngòi

        Trong hệ thống sông suối, Trùng Khánh có hai con sông chính: sông Bắc Vọng và sông Quây Sơn.

        Sông Bắc Vọng, bắt nguồn từ Trung Quốc, chạy qua địa phận tỉnh Cao Bằng có độ dài 77 km, chảy ra phía Đông các huyện Trà Lĩnh, vào Trùng Khánh qua các xã Trung Phúc, Thông Huề, Đoài Côn, Thân Giáp và chảy sang huyện Hạ Lang, ra huyện Quảng Uyên, Phục Hoà, hợp lưu với sông Bằng Giang rồi chảy sang Trung Quốc. Do chảy qua các vùng đá vôi của cao nguyên miền Đông, quá trình nước chảy đá mòn, bị xâm thực dữ dội qua những mùa mưa lũ tràn ngập, tạo nên những cánh đồng nhỏ hẹp ở ven sông suối, bề mặt của những cánh đồng hoặc nương rẫy lô nhô những mỏm đá nổi, đá ngầm, gây khó khăn cho việc làm đất, gieo trồng các loại cây lương thực. Độ dốc trung bình của sông Bắc Vọng khoảng 0,0090, lưu lượng nước bình quân 25m3/giây; có nhiều quãng sông hiểm trở, nhiều thác ghềnh.

        Sông Quây Sơn có hai nhánh chính đều bắt nguồn từ Trung Quốc, chiều dài khoảng 76 km. Nhánh lớn nhất chảy qua xã Ngọc Khê; nhánh thứ hai, còn gọi là sông Tà Pè, chảy theo hướng Đông Nam, qua xã Phong Nậm, Ngọc Khê, hợp lưu với nhánh chính tại Khả Mong, xã Ngọc Khê, chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, Đàm Thủy qua huyện Hạ Lang rồi chảy sang Trung Quốc. Lòng sông tuy không rộng nhưng sâu, nước chảy xiết, độ dốc bình quân là 0,010, có nhiều thác ghềnh như thác Khoang (Thoong Khoang), xã Ngọc Khê, cao 10 m; thác Gót (Thoong Gót) xã Chí Viễn, cao trên 20 m. Đặc biệt là thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, có độ cao trên 50 m; thác có 2 nhánh: nhánh bên phải dòng nước đổ thẳng xuống vực, nhánh bên trái dòng nước hạ dần thành ba bậc, nối tiếp nhau thành một dòng chảy, do độ dốc lớn, dòng chảy đổ xuống vực sâu, tung bọt trắng xóa và bay lưng chừng núi, hơi nước bốc lên, tạo những màn sương mù huyền ảo, như những dải lụa trắng vắt ngang sườn núi, vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng.

        Do điều kiện địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, nên phần lớn các con sông, con suối bắt nguồn từ phía Tây Bắc chảy theo hướng Đông Nam qua các vùng núi đá vôi, dọc các con sông (Bắc Vọng, Quây Sơn,…) có nhiều thác ghềnh, nước chảy xiết. Lợi dụng sức nước, nhân dân đã làm những “cọn” nước đưa nước từ sông, suối lên độ cao từ 5-10 m cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha lúa và các loại cây trồng khác, hoặc dùng giã gạo,…

         Các dòng sông lớn như Quây Sơn, Bắc Vọng và nhiều suối, ao, hồ là nguồn lợi thủy sản dồi dào. Diện tích mặt nước toàn huyện là 56,9 ha, chiếm 1,87% diện tích tự nhiên. Nơi đây có nhiều loại cá quý, có giá trị kinh tế cao như cá chiết (có con nặng tới chục kilôgam), cá chép, cá trầm xanh, cá chuối, ba ba,… Đặc biệt là cá trầm hương (ở vực Lũng Đính; nay thuộc xã Đình Phong), thơm ngon nổi tiếng nhất vùng. Cá nặng chừng 1-2 kilôgam, vẩy trắng, gần mang có một vòng vẩy điểm màu xanh cửu long. Đây là loại cá đặc sản của huyện Trùng Khánh.

         Hàng năm, nhân dân trong vùng dọc các con sông Bắc Vọng, Quây Sơn và những suối lớn nhỏ đã đánh bắt hàng chục tấn tôm, cá các loại, phục vụ sinh hoạt của nhân dân địa phương.

         7 - Đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản

         Tổng diện tích đất nông nghiệp của Trùng Khánh là 38.798,40 ha, với nhiều cánh đồng màu mỡ lớn nhỏ. Dọc theo sông Quây Sơn là những cánh đồng trải dài, màu mỡ, như: cánh đồng xã Ngọc Khê, dài gần 10 km, rộng 2 km, đặc biệt là cánh đồng xã Đình Phong do phù sa dòng sông Quây Sơn bồi đắp, rất màu mỡ. Người dân quanh vùng thường lưu truyền câu ca “Quỳnh Lâu Lũng Đính đa hào phú” chính là để chỉ sự trù phú của dân cư vùng đất này. Bên cạnh đó còn có các cánh đồng Chí Viễn, Đàm Thủy. Dọc theo sông Bắc Vọng là những cánh đồng xã Trung Phúc, Thông Huề, Thân Giáp,…Ngoài ra còn có các cánh đồng lúa dựa vào nguồn nước tưới chủ yếu là các con suối và nước tự nhiên, như: Lăng Hiếu, Lăng Yên, Phong Châu, Bồng Sơn, Cao Thăng, Đức Hồng, Đoài Côn. Những cánh đồng lúa trên là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho nhân dân huyện Trùng Khánh.

         Tài nguyên rừng của Trùng Khánh rất phong phú. Rừng và đất rừng có 29.325,04 ha, chiếm 62,56% diện tích đất đai toàn huyện. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý như: nghiến, quý lát, thông…, các loại động vật như: hổ, báo, gấu, sơn dương, lợn rừng, hươu, nai, khỉ, vượn, cầy vòi… các loại chim họa mi, gà rừng, chim gáy… Các loại lâm thổ sản: nấm hương, mộc nhĩ, sa nhân. Cây ăn quả gồm các loại như mận, lê, cam, quýt, đào. Đặc biệt, hạt dẻ là một loại đặc sản ở Trùng Khánh, rất thơm ngon, đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế.

         Dưới lòng đất có nhiều loại khoáng sản, trung bình cứ 14,5 km2 có 1 điểm khoáng sản, trong đó có nhiều loại kháng sản quý như măng gan, bô xít, thạch anh,... Đá ngọc bích có nhiều ở Bản Piên xã Phong Châu; đá có độ bền, đẹp (từng được khai thác làm vật liệu góp phần xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). Măng gan có nhiều ở các xã Lăng Hiếu, Phong Châu, Đình Phong, Thân Giáp. Trong những năm 1940, Nhật đã khai thác những mỏ than lộ thiên ở Hiếu Lễ, Phong Châu, Ngọc Khê…, mỏ diêm tiêu ở Bản Quan (xã Phong Châu).

        Về giao thông, Trùng Khánh là huyện biên giới, có tuyến tỉnh lộ đi cửa khẩu Pò Peo (nay thuộc xã Ngọc Côn) dài trên 20km và đường Trùng Khánh - Bằng Ca (Hạ Lang) dài 38km; Trùng Khánh - Trà Lĩnh dài 26km. Trước năm 1930, hệ thống đường giao thông ở Trùng Khánh rất lạc hậu, đi lại khó khăn, chủ yếu là đi bộ và ngựa thồ.

        Quê hương Trùng Khánh được thiên nhiên ưu đãi: có núi, sông, đồng ruộng, nương rẫy, khoáng sản, động thực vật phong phú. Đó là những tiềm năng vô cùng to lớn, nếu được đầu tư, khai thác hợp lý, sẽ tạo cho Trùng Khánh những điều kiện thuận lợi lớn để phát triển nhanh và bền vững.

Tin liên quan
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập